Poets

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Huy Cận.

Các vị La Hán chùa Tây Phương

Tôi đến thăm về lòng vấn vương.

Há chẳng phải đây là xứ Phật,

Mà sao ai nấy mặt đau thương?

Đây vị xương trần chân với tay

Có chi thiêu đốt tấm thân gầy

Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt

Tự bấy ngồi y cho đến nay.

Có vị mắt giương, mày nhíu xệch

Trán như nổi sóng biển luân hồi

Môi cong chua chát, tâm hồn héo

Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại

Tròn xoe tựa thể chiếc thai non

Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối

Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...

Các vị ngồi đây trong lặng yên

Mà nghe giông bão nổ trăm miền

Như từ vực thẳm đời nhân loại

Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ, mặt con người

Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời

Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã

Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau

Quay theo tám hướng hỏi trời sâu

Một câu hỏi lớn. Không lời đáp

Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật

Trần gian tìm cởi áo trầm luân

Bấy nhiêu quằn quại run lần chót

Các vị đau theo lòng chúng nhân?

Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?

Sống lại cho tôi hỏi một câu:

Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh

Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?

Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão

Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời

Là cha ông đó bằng xương máu

Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng

Những bạn đương thời của Nguyễn Du

Nung nấu tâm can vò võ trán

Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở

Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ

Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn

Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la

Sờ soạng, cha ông tìm lối ra

Có phải thế mà trên mặt tượng

Nửa như khói ám, nửa sương tà.

Các vị La Hán chùa Tây Phương!

Hôm nay xã hội đã lên đường

Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại

Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ

Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!

Những bước mất đi trong thớ gỗ

Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.

◦◦◊◦◦

Gánh xiếc

Huy Cận.

Có chàng ngơ ngác tựa gà trống,

E đến trăm năm còn trẻ thơ

Tám tuổi một chiều trong rạp xiếc

Yêu nàng cưỡi ngựa uốn thân tơ.

Điệu kèn rộn rịp nâng chân ngựa

Nhịp với lòng trai mở cánh yêu,

Nhạc buồn thu - chở hồn đường sá!

Lẫn với hùm, voi, gái lệ kiều.

Gái lệ kiều đi với ngựa, voi;

Về nhà, đứa bé vẫn đùa chơi

Nhưng lòng trẻ đã theo đoàn xiếc

Xếp với màn to của rạp đời

Gánh xiếc đi qua chỉ một lần,

Bây giờ có lẽ đã chia tan...

Và nàng cưỡi ngựa đâu rồi nhỉ?

Ngơ ngác chàng trai tự hỏi thầm.

◦◦◊◦◦

Lục bát truyền nhân

Nguyễn Phước Lộc.

Giọng cười ngọt lịm Huyền Trân

Thổi vào lục bát truyền nhân vạn đời

Nào chàng thi sĩ thảnh thơi

Nào người khắc khoải đứng ngồi không yên (1)

Nguyễn Du gánh hết ưu phiền

Góc trời đứng khóc mà nhìn Kiều đi

Mười lăm năm – cánh thiên di

Màn nhung khép lại, đời thì vỗ tay

Chòng chành nắng gió ngất ngây

Cỏ may (2) Nguyễn Bính rơi đầy đường quê

Đức Bốn (3) chẳng chịu quay về

Chăn trâu đốt lửa (4) mẩn mê cả chiều.

Sân chùa sư nữ buồn hiu

Vì hoa tự tử cánh thiu úa tàn

Lục bát chẳng chịu sang ngang

Để chùa sẽ rụng thêm tàn một bông.

Bên lề kinh kệ áo hồng

Gói thành một gói thả bồng trôi sông

Chuông dài văng vẳng thinh không

Xéo ngang gác nhỏ động lòng nhện giăng

Buồn thương mắc với vui mừng

Cúi xin lục bát em đừng quên anh.

Hai câu sáu tám quẩn quanh

Đi hoài đi mãi đời thành dấu xe

Bốn ngàn năm – rớt bên hè

Không chính thống – vẫn sắt se tình nguời

Khi kiều mỵ, khi lả lơi

Ca dao chuyên chở lứa đôi thề nguyền

Anh hùng sánh với thuyền quyên

Chí Phèo - Thị Nở trăng nguyền như nhau

Ca dao chỉ mớm khơi mào

Những mong sáu tám bạc đầu bên nhau

Nhưng mà nào dễ thế đâu

Bưởi vườn quay quắt trong màu tầm xuân.

Không thân cứ gọi là thân

Em xa như thể em gần bên tay

Một câu sáu – hết một ngày

Còn câu tám – mãi lưu đày tháng năm

Chiếu chăn xếp lại chẳng nằm

Ngày xưa còn sót góc thầm chéo khăn

Ngày nay lục bát truyền nhân

Có người nhặt nhạnh xa gần cỏ thơ.

-

(1) “Là cha ông đó bằng xương máu. Đã khổ, không yên cả đứng ngồi” - Các Vị La Hán Chùa Tây Phương - Huy Cận.

(2) Bài thơ “Hoa cỏ may” – Nguyễn Bính.

(3) Nhà thơ Đồng Đức Bốn.

(4) Bài thơ “Chăn trâu đốt lửa” – Đồng Đức Bốn.

◦◦◊◦◦

Lục bát mấy lần thương

Nguyễn Phước Lộc.

Tôi không biết mình làm thơ lục bát năm mấy tuổi

Mà hôm nay từng chữ

Cứ xoắn xít vào nhau câu dài câu ngắn

Cặp cặp chen đôi

Bứt một câu sẽ thành chỏng gọng

Phím vần bằng phẳng lặng mặt Tiền giang

Mi môi hôn, Pha nửa phách chẳng rời nhau.

Lục bát truyền nhân bàn tay chưa đếm hết

Bước từng người

Xa dần – cành gãy tiếng khô khan.

Câu vui gió hút trên ngàn

Câu buồn trước mắt ngổn ngang đời thường

Lục bát ơi! mấy lần thương

Tôi chẳng biết mình thương... được mấy lần

Tầm nhìn lướt chỉ kéo băng

Giai nhân lục bát vẫy khăn rướm nhìn.

Tôi thường viết đôi câu bảy, bảy

Vặn lòng mình

Ngắt, thêm đôi đầu sáu tám biến hóa theo

Lở bồi thôi mà thành ngang trái

Lại chuyển ngọt ngào điệu hát ru em

Ngày ca dao kẽo kẹt.

Hai sợi tóc mai ngắn dài

Trường thương và đoản kích

Mũi nhọn oặt mình cây bút điểm tình thi

Hay đâm xoạt tờ giấy

Gạn dần ra những cái đáng là tâm

Thoảng dư hương lần đường ngang nét dọc

Cố tìm đọc những thứ của tro than.

Tôi không biết lục bát khởi từ đâu

Tiềm thức ăn sâu trong bàn tay nứt nẻ

Của người mẹ trẻ

Bồng con ôm mong lúa nặng trĩu lời

Hò hẹn lứa đôi

Sóng sánh rượu mừng trăm năm câu tri ngộ

Chàng dài thiếp ngắn

Lấy ngắn nuôi dài bài thơ sửa túi nâng khăn.

Lục bát ơi ta ru người nhé

Bằng những câu thơ ngắc ngứ

Vần điệu lung tung

Người không vui xin hãy gượng cười

Đành không thử thứ trắc bằng êm ái

Giả giọng nói ngàn năm của người.