Bài Luận Nghệ Thuật Lãnh Đạo

Chương trình đào tạo phát triển năng lực lãnh đạo

Trường doanh nhân PACE (http://www.pace.edu.vn)

Học viên: Nguyễn Phước Lộc

Ngày 09 tháng 12 năm 2011

Trong bài luận này tôi trình bày 6 vấn đề:

    • Trí tuệ cảm xúc

    • Tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu xã hội

    • Thế hệ

    • Giới tính

    • Phong cách lãnh đạo

    • Mô thức (paradigms)

Trí tuệ cảm xúc

Bộ nhớ máy tính lưu trữ ngàn terabyte hơn nhiều bộ não chúng ta

Máy móc nhanh, mạnh hơn chúng ta nhiều.

Nhưng tất cả do con người tạo ra.

Có một số người dự đoán tương lai người máy sẽ thay thế con người

Tôi không nghĩ vậy. Vì sao?

Vì con người, có yêu thương, có ý chí mãnh liệt, mới điều khiển được vật vô tri. Tất cả đều là trí tuệ cảm xúc, hay có thể gọi linh hồn. Có hai mối quan hệ:

    • Giữa người và thế giới vật chất xung quanh

    • Giữa người với người

Mối quan hệ giữa người với người mang tính quyết định vì mọi vật do con người tạo nên, thế giới này do con người nhìn nhận theo cách của mình, nên chỉ con người hợp tác với nhau mới thành việc. Nhà lãnh đạo không cần kiệt xuất, vấn đề là làm thế nào tạo sự gắn kết và phát huy tất cả năng lực của từng người; muốn thể cần hiểu sâu sắc lòng người. Nhưng hiểu người cần có sự cảm thông, biết vui buồn với nỗi buồn vui của thiên hạ. Phải đặt mình vào vị trí của người khác thì tấm lòng cởi mở, sẽ biết được nguyện vọng người, và khoan dung cho người.

Trí tuệ cảm xúc còn thể hiện ở sự mẫn tiệp với thời cuộc, biết được xu hướng tương lai; quan trọng với doanh nhân khi nắm bắt thời cơ. Thời cơ là thứ khó lường, biến ảo như mây trời, không thể dựa vào lý trí mà cảm nhận. Không những biết được cơ hội mà còn cảm cả nguy cơ dù chưa xảy ra, biết khi nào nên tránh, khi nào nên đối đầu.

Tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu xã hội

Trong những bài học về quản trị kinh doanh, tầm nhìn, sứ mệnh và mục tiêu xã hội cần được xác định cho mỗi công ty. Các bài học đã đủ, tôi không bàn thêm, đây chỉ mở rộng cho các khái niệm này. Mỗi người sinh ra đều có sứ mệnh, ai bảo cao xa người là giao thoa trời đấy hay Chúa Trời ban phước, thật ra chỉ cần nghĩ được cha mẹ sinh dưỡng thì phải có sứ mệnh sống một cuộc đời đáng sống, có vui buồn, có cống hiến, có mãn nguyện; còn danh lợi như phù vân, kiếp sau miễn bàn. Người lãnh đạo cũng vậy, thấy đúng là làm, đừng nghĩ cho mình. Chỉ cần nghĩ, ngày tạo dựng cơ nghiệp thì nó không còn thuộc về mình thì sứ mệnh ấy há chẳng phải tự nhiên thành? Việc nặng mà tâm rỗng, nhẹ nhàng siêu thoát.

Trên con đường hoàn thành sứ mệnh phải có tầm nhìn, vạch ra hướng đúng đắn. Tầm nhìn dựa vào cả trí tuệ cảm xúc và những cân đong đo đếm bằng công nghệ, nguồn vốn, phương pháp quản trị. Tầm nhìn được cụ thể hóa bằng chiến lược và kế hoạch.

Còn mục tiêu ư? Tôi không bàn vì mỗi người sẽ có những mục tiêu riêng phù hợp với sứ mệnh. Mục tiêu là cụ thể hóa của sứ mệnh giống như chiến lược là cụ thể hóa của tầm nhìn. Nếu sứ mệnh là sống một cuộc đời đáng sống thì mục tiêu là “đáng sống như thế nào?”. Có thể là: công ty lớn mạnh góp phần đất nước giàu mạnh, ngoặc dòng lịch sử hay gia đình bố mẹ hạnh phúc hay bình thản siêu thoát. Cũng có người thích nhà lầu, xe hơi, vợ trẻ đẹp. Nói chung tất cả đều tốt nếu như ta có mục tiêu rõ ràng

Vấn đề thế hệ

Già và trẻ thường xung đột, nguyên nhân phụ là sự khác biết về nhận thức và trải nghiệm. Nguyên nhân chính là mỗi thế hệ không hiểu nhau, cụ thể, người già không tự đặt mình vào vị trí con cháu, người trẻ không cảm thông cho cha ông. Nhà lãnh đạo phải điều hòa mối quan hệ này, tạo cầu nối giữa hai thế hệ. Mỗi thế hệ đều có mặt hay mặt kém, ví dụ

    • Người già giàu kinh nghiệm và vốn sống, nhưng chậm thích ứng với thời cuộc

    • Người trẻ năng động nhưng cũng là xung động.

Nếu chăm chăm vào mặt kém, không thể tận dụng lợi thế của từng thế hệ. Những việc cần kiên định và công minh như ngành tư pháp, nên trao người già. Những việc nhanh nhạy hoa bướm như tiếp thị, khai phá thị trường, thiết kế, tạo mẫu nên trao người trẻ. Những người già, khi đã trải qua những nồng cay mặn đắng, không còn gì để hối tiếc, nếu khiến họ tin tưởng thì họ sẽ son sắt một lòng. Đừng xem thường những “cụ già”, lượng testosterone tuy thiếu nhưng bản sắc anh hùng không vì hoa niên nhòa nhạt, thời gian pha phôi mà mai một.

Vấn đề giới tính

Tạo hóa ban nhân gian cả đàn ông và phụ nữ thì hà cớ đàn ông luôn chiếm vị trí quan trọng?

Tổng sức mạnh của cả quốc gia bao nam lẫn nữ, nếu người lãnh đạo “bỏ quên” phụ nữ, chẳng phải tự làm suy yếu 50% ? Phái nữ có những điểm mạnh nhất định, đôi khi họ khéo léo hơn đàn ông, tránh những ương ngạnh vô ích, đôi khi họ dịu dàng kiểu lạt mềm buộc chặt, dùng nhu chế cương trong quản trị nhân sự, đôi khi họ có trí tuệ cảm xúc cao, nhạy cảm với xung quanh. Chân chính con người là biết khóc cười, phụ nữ dễ tỏ bày nên trong lãnh đạo nếu họ biết thể hiện cảm xúc đúng lúc đúng nơi thì dễ lay động và thuyết phục người khác hơn. Hơn nữa tài năng con người do học vấn và tự trui rèn mà thành; chúng ta đừng ngại trao trọng trách cho phụ nữ. Khi được đặt ở vị trí quan trọng, họ sẽ tự hoàn thiện và biết mình cần làm gì.

Một số người xét nét phụ nữ, nào là yếu đuối, cảm tính, nào phải gánh việc sinh con thì làm sao đảm đương chuyện lớn. Lưu ý, khi ta cổ vũ người thì họ sẽ làm được; ngược lại đặt mình trên người khác thì sớm muộn sẽ đến ngày bại vong; trăm sông đổ về biển vì biển sâu, người quân tử hãy đứng sau thì có thể chuyển dòng thời cuộc (“Nước chảy về chỗ trũng” – Đạo Đức Kinh – Lão Tử). Người lãnh đạo tài hoa phải biết tìm ngọc trong đá, phát hiện và phát huy ưu điểm của những người tưởng như bình thường thậm chí gàn dở. Hơn nữa, lãnh đạo còn có khả năng biến nhược điểm của một người thành ưu điểm, hóa chuyết thành xảo. Mọi việc đều có hai mặt, tốt xấu đan xen và chuyển hóa lẫn nhau. Vấn đề là chuyển hóa như thế nào và phương pháp chuyển hóa ra sao để điểm thạch thành kim. Chúng ta không nên trách những cậu thanh niên quậy phá, đua xe, đánh nhau mà nên tự trách mình sao không tạo sân chơi cho họ phát huy khả năng. Những cậu này đều có dũng khí hay dồi dào năng lượng, nếu trên đời không có dũng sĩ thì còn ai dám xả thân?

Phong cách lãnh đạo

Sáu phong cách lãnh đạo, tùy tình huống mà có lợi điểm nhất định. Tôi sẽ dùng hai chữ để nêu tố chất quan trọng nhất của người lãnh đạo trong mỗi phong cách.

    • Kiểu độc đoán: tài năng

    • Kiểu quyết đoán: tỉnh táo

    • Kiếu gắn kết: nhân hậu

    • Kiểu dân chủ: sáng suốt

    • Kiểu huấn luyện: gương mẫu

    • Kiểu dẫn dắt: sức hút

Vì:

    • Có tài năng mới độc đoán

    • Có tỉnh táo mới quyết đoán

    • Có nhân hậu mới hóa giải mâu thuẫn

    • Có sáng suốt mới dân chù. Khi quá nhiều ý kiến, cần sáng suốt để phân định

    • Có gương mẫu mới làm gương cho người khác noi theo

    • Có sức hút thì người ta mới theo

Mỗi người nên chọn một phong cách chủ đạo rồi theo tình hình mà thay đổi sao cho phù hợp

Lãnh đạo, quản lý và quyền hạn

Quản lý không là lãnh đạo nhưng thành công của lãnh đạo trước tiên thể hiện ở góc độ quản lý con người, mọi người đều có chỗ đứng và phát huy hết sở năng. Khi người lãnh đạo không còn nghĩ đến mình, tâm niệm một ngày gởi trao thành quả lẫn tâm tư cho người kế thừa, luôn phát triển họ thì không còn chuyện “nhân tài như lá mùa thu”, thế hệ nào cũng có lãnh đạo tài ba.

Vấn đề quyền hạn cần hết sức thận trọng, câu nói “quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa cũng tuyệt đối theo” (The Lord Acton) trở thành bất hủ. Mỗi nhà lãnh đạo cần hết sức tỉnh táo, biết khi nào nên dừng, chỉ cần nghĩ rằng mình đã một lần làm người đã là hạnh ngộ, nếu công nghiệp đã thành và còn tìm được người kế thừa thì còn gì hơn nữa. Xem việc trao cơ nghiệp cho thiên hạ là mãn nguyện. Hơn mỗi người cần phải tự ràng mình trong một dây cương (một lý tưởng, một tôn giáo hay một cô vợ chẳng hạn), lúc nào cũng soi xét tránh lầm lẫn, tuyệt đối không được lạm quyền.

Mô thức

Trong hành trình của một người hay dân tộc đều tìm cho mình một hệ tư tưởng làm chỗ dựa. Hệ tư tưởng ấy được cụ thể hóa thành mô thức hay mô hình phát triển hay lẽ sống. Có người ngoài hai mươi đã tìm thấy mô thức, có người đến nửa đời mới thấy. Thật bất hạnh cho những người suốt đời tìm mà không thấy và cũng thật vui vẻ (hay vô tri) cho những người không có ý định tìm. Tìm mô thức là sự giằng xé nội tâm trong mỗi người; đối với dân tộc còn ghê gớm hơn. Thật hạnh phúc khi xung quanh ta đơn giản và chỉ tồn tại vài mô thức nhưng thế giới lại phức tạp và mô thức nhiều vô kể. Giống như đứa bé, đứng trước gian hàng bày rất nhiều đồ chơi xanh xanh đỏ đỏ, rốt cuộc do dự không biết chọn cái nào. Nếu nó chọn sai, cũng chẳng sao, hôm sau chọn món khác. Nhưng trong đời người được mấy lần làm lại, giả sử thêm một điều kiện, nếu làm sai phải trả giá bằng tính mạng (chứ không phải bằng tiền) thì sự giằng xé ấy trở thành khủng khiếp.

    • OK, vậy là là tôi chọn “đại” 1, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng. Ấy, có dũng thiếu tâm, cả thiếu trách nhiệm với người khác.

    • OK, vậy thì tôi không chọn, ta đây thanh cao kiểu “loạn bang bất cư”, ai vào địa ngục thì vào, ta ngoài cửa đứng nhìn. Thiếu cả dũng lẫn tâm.

Vậy thì sao đây?

Vậy thì… thế giới phức tạp nhưng ta nhìn nó đơn giản, chân phương. Và khái niệm con nhím hữu dụng. Chúng ta đánh giá chính xác nội tại và thế giới, tỉnh táo mà tìm ra mô thức hay con nhím, đó là sự giao thoa giữa 3 “cái”: cái mà mình làm giỏi nhất, cái mang đến ích nhiều nhất và cái gì khiến đam mê nhất. Đối với dân tộc, đam mê là những gì phù hợp với văn hóa, cơ địa. Và mô thức không nhất thiết phải giống ai, không loại trừ chuyện tham khảo hay bắt chước, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể sáng tạo ra một mô thức mới phù hợp với đặc trưng và hoàn cảnh của đất nước mình. Cơ địa rất quan trọng, những gì đi trước thời đại chưa chắc thành công trong hiện tại. Người lãnh đạo đương nhiên cần tư tưởng thoáng đạt, hiện đại nhưng sự sáng suốt còn quan trọng hơn. Nhà lãnh đạo không phải là nhà tư tưởng, chúng ta nên phân biệt và không cần hợp nhất thành một. Nếu như hợp nhất được thì lý tưởng nhưng chân kinh mất trang, trời đất còn không toàn vẹn huống chi chuyện người.

(1) Ngẫu nhiên, không chủ ý